“Nhưng về số phận của những đứa trẻ…” tôi nhấn mạnh.

Geisler, ông là cha của sáu người con, và là ông của chín đứa cháu, tỏ ra đồng cảm với tôi. “Về mặt xã hội và vật lý, suốt dòng lịch sử số phận của trẻ em gắn liền với cha mẹ chúng, dù tốt hay xấu. Chúng ta cần hiểu đầy đủ về dân A-ma-léc. Trong một nền văn hóa bại hoại, tàn ác, và xấu xa như thế, không có hi vọng nào cho bọn trẻ. Dân tộc này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng giống như chứng hoại thư trên tay hoặc chân, nếu không chịu đoản chi thì bệnh nhân sẽ mất mạng. Trong một ý nghĩa nào đó, hành động của Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót.”

“Thương xót?” tôi hỏi lại, “Bằng cách nào?”

“Theo Kinh Thánh, mọi đứa trẻ chết trước tuổi hiểu biết đủ để chịu trách nhiệm đạo đức sẽ được lên thiên đàng và hưởng sự sống vĩnh cửu trong sự hiện diện của Thiên Chúa.” Ông trả lời, “Giả sử chúng tiếp tục sống trong xã hội khủng khiếp như thế cho đến tuổi chịu trách nhiệm, chắc chắn chúng sẽ trở nên bại hoại, và vì vậy sẽ bị hư mất đời đời.

“Điều gì khiến ông nghĩ rằng trẻ em sẽ lên thiên đàng sau khi chết?” tôi hỏi.

Ê-sai 7: 16 nói về độ tuổi trước khi trẻ phải chịu trách nhiệm đạo đức, tức là trước khi trẻ ‘biết bỏ điều dữ và chọn điều lành.’ Vua Đa-vít nói rằng ông ‘sẽ đến với con trai’ ông,7 đứa trẻ chết khi vừa mới chào đời. Chúa Giê-xu đã dạy: ‘Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm chúng, vì vương quốc Thiên Chúa thuộc về những ai giống như các con trẻ ấy.’8 Còn có nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh ủng hộ quan điểm này.”

“Nếu chết trước tuổi chịu trách nhiệm là điều tốt nhất cho trẻ em bởi vì chúng sẽ vào thiên đàng, vậy thì những bào thai bị bỏ thì sao?” tôi vặn lại, “Nếu chết từ trong bụng mẹ, chúng sẽ vào thiên đàng, nhưng nếu ra đời rồi trưởng thành, có thể chúng sẽ phản nghịch Chúa, rồi bị hư mất đời đời. Đây sẽ là một luận cứ hùng hồn cho những người ủng hộ phá thai?

“Không, đây là phép loại suy sai.” Geisler trả lời, “Thứ nhất, phá thai đi ngược với giáo huấn của Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng, chỉ có Thiên Chúa là đấng có quyền cất mạng sống của con người, bởi vì Ngài tạo ra sự sống. Thứ hai, ngày nay chúng ta không sống trong một nền văn hóa đồi bại toàn diện như xã hội A-ma-léc thời ấy. Trong nền văn hóa ấy, không có chút hi vọng; ngày nay, vẫn có hi vọng.”

“Cần nhớ rằng những người này đã được dành cho nhiều cơ hội để thay đổi lối sống và tránh mọi sự trừng phạt,” ông tiếp, “Thật vậy, nếu tính luôn dân Ca-na-an, họ đã có bốn trăm năm để ăn năn. Quãng thời gian quá dài. Sau hàng thế kỷ lâu dài chờ đợi họ ăn năn để không đi vào con đường tự diệt vong, bản chất thánh khiết của Thiên Chúa đòi buộc Ngài phải đoán phạt họ vì cớ tội ác họ cố tình phạm.”

“Chúng ta cần thấy rằng bất cứ ai muốn thoát khỏi tình thế ấy đều có cơ hội; thật vậy, họ có nhiều cơ hội trong suốt nhiều năm. Chắc chắn rằng những người muốn tránh khỏi sự hủy diệt đều có thể trốn thoát.”

Ra-háp cứu giúp các trinh sát Do Thái

“Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong chương 6 sách Giô-suê chép về sự hủy diệt thành Giê-ri-cô và dân Ca-na-an. Đó là một nền văn hóa bại hoại toàn diện: tàn ác, man rợ, loạn luân, dâm ô, tín ngưỡng phồn thực, ngay cả dâng tế trẻ em qua lửa. Họ là một dân tộc hiếu chiến, lăm le nuốt chửng dân Do Thái.”

“Tuy nhiên, Ra-háp, một cư dân Giê-ri-cô, người đã che chở các trinh sát Do Thái, không phải đồng chung số phận với dân tộc của bà. Còn trong trường hợp của thành Ni-ni-ve, Chúa quyết định đoán phạt họ xứng hiệp với tội ác của họ. Nhưng khi họ ăn năn, Ngài đã cứu toàn thể dân trong thành. Đây là điều chúng ta cần lưu ý: Thiên Chúa sẵn lòng cứu bất cứ ai chịu ăn năn.

“Thiên Chúa hủy diệt các dân tộc gian ác và cứng lòng, chứ không phải những người chịu ăn năn tội lỗi của mình. Nhiều câu Kinh Thánh chỉ ra rằng mục đích của Ngài là trục xuất các dân tộc gian ác ấy để dọn đường cho Đấng Mê-si-a, như thế Ngài đã hành động vì lợi ích của hàng triệu người trong suốt dòng lịch sử.”

<< trang trước

bấm vào đây để đọc tiếp 5/5 >>